Đừng làm theo phong trào hay kiểu cứ thử đi, còn trẻ mà, đơn giản tính toán kỹ lưỡng, lường trước mọi tình huống, xác suất còn 50/50 huống gì mọi thứ đều bốc thuốc...

QỦA TÁO Recommend: 


Doanh nhân Trần Bá Dương: Chúng ta đang mải cuốn theo phong trào mà quên mất giá trị cốt lõi của khởi nghiệp 

"Tôi cho rằng khởi nghiệp là đúng đắn. Nhưng cùng với kêu gọi thì nên có định hướng, cần làm rõ từng ngành nghề nên làm như thế nào", ông Trần Bá Dương nói.



Chưa bao giờ cụm từ "Khởi nghiệp" lại được nhắc đến nhiều như thời gian gần đây. Khởi nghiệp trở thành câu cửa miệng của giới trẻ và xuất hiện ngày càng nhiều tại các cuộc hội thảo, phương tiện thông tin. Tinh thần khởi nghiệp cũng được lan tỏa mạnh mẽ khi lãnh đạo ở các tỉnh, thành, địa phương đã có chung tuyên bố về tinh thần khởi nghiệp mà điển hình như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bến Tre… Đặc biệt năm 2016 cũng đã được Chính phủ chọn là Năm "Quốc gia khởi nghiệp". 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khởi nghiệp hiện nay mới chỉ dừng ở mức hô hào, cổ vũ bằng những thông điệp kiểu như "Mặc kệ ai nói, làm tới đi" hay "Hãy cứ khát khao, cứ mãi dại khờ". Thực tế người khởi nghiệp đang phải tự mò mẫm lối đi, và có không ít người đã vấp ngã nhiều lần, để rồi không thể đứng lên tiếp tục được nữa. 


Từ trước đến nay, từ khóa "Khởi nghiệp" thường được nhắc đến dành cho đối tượng giới trẻ, những người bắt đầu bước chân vào lĩnh vực kinh doanh. Theo quan điểm của ông, cụm từ Khởi nghiệp được hiểu như vậy đã chính xác hay chưa? 

Trước đây, khi nói tới khởi nghiệp chúng ta hay hiểu theo nghĩa thông thường, nghĩa là bắt đầu một sự nghiệp kinh doanh nào đó. Tuy nhiên trong kinh doanh, người ta luôn mong muốn thực hiện một ý tưởng mới, làm một cái gì đó mới mẻ và khác biệt hơn. Từ đó khái niệm khởi nghiệp nên được hiểu theo nghĩa bao quát hơn. 

Khởi nghiệp – đừng nên bó gọn ở khái niệm bắt đầu nghiệp kinh doanh, mà cần hiểu rộng ra và hàm chứa sự khuyến khích. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ và phải hội nhập khu vực và thế giới. Một doanh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh, mở rộng ngành nghề mới cũng nên được gọi là khởi nghiệp. Hay một cá nhân trong doanh nghiệp, bắt đầu lãnh đạo công ty trên một cương vị mới cũng được coi là người khởi nghiệp. Đối với doanh nhân, với đất nước, một nền kinh tế hay một công ty lớn, khuyến khích khởi nghiệp là xu hướng tất yếu. 



Phải chăng tư duy khởi nghiệp này đã gắn rất chặt với sự nghiệp kinh doanh của ông? 

Đối với tôi, bước ngoặt đầu tiên là việc chọn con đường khởi nghiệp. Ra trường năm 1982, tôi chọn con đường làm công chức nhà nước. Ngày đó, tôi về làm ở công ty quốc doanh sửa chữa ô tô Đồng Nai, ngành nghề này đòi hỏi người kỹ sư phải có tay nghề. Và tôi đã phải tự mày mò, học cách sửa chữa, làm công việc mà ở trường không được học. Xe hư là phải sửa được, đó là thách thức lớn đối với danh xưng kỹ sư khi trong đầu toàn lý thuyết, không có chút gì là thực tiễn. Tôi đã vượt qua được và trở thành một kỹ sư có danh xưng và được thị trường, khách hàng, đồng nghiệp tín nhiệm. 

Đến năm 1986, ngành nghề sửa chữa ô tô, cạnh tranh giữa tư nhân và quốc doanh hết sức khốc liệt. Với đặc thù ngành, lợi thế lại rơi vào các garage tư nhân. Vậy là công ty chúng tôi rơi vào tình trạng không có việc làm. Trước hoàn cảnh này, nhà nước thực hiện khoán xưởng. Mặc nhiên, tôi trở thành quản đốc được giao khoán và hoạt động giống như một garage tư nhân. Tôi khởi nghiệp bắt đầu từ đó. 

Gắn bó đến năm 1996 thì công ty giải thể, tôi thành lập công ty Trường Hải, bắt đầu tự kinh doanh riêng. Nhưng tôi làm khác đi một chút. Trước đây, chủ xe đem ô tô tới để sửa chữa thì nay có công ty khác nhập xe về cho chúng tôi làm. Dần dần, chúng tôi tự nhập xe cũ về sửa và bán. Thế là kết thúc một cột mốc khởi nghiệp. 

Bước ngoặt lớn về quy mô, ngành nghề là từ năm 2001, Trường Hải chuyển từ mua bán, sửa chữa xe cũ sang lắp ráp xe mới. Khi xây nhà máy ở Biên Hòa, tôi sớm nhận thấy nếu ở đây lâu dài thì cũng không tới đâu. Về lâu dài, Trường Hải phải phát triển quy mô sản xuất đủ lớn để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài như Toyota, Mitsubishi, Honda... Vậy là năm 2003, tôi quyết định hy sinh, từ bỏ những gì vừa xây dựng ở Biên Hòa để dời nhà máy về Chu Lai. Đối với tôi, bước ngoặt ra Chu Lai cũng là khởi nghiệp. 

Cột mốc sắp tới là mốc hội nhập ASEAN 2018, khi thuế suất nhập khẩu ô tô bằng 0%. Đây là thời điểm cạnh tranh rất lớn giữa doanh nghiệp ô tô trong và ngoài nước. Tôi xem 2018 là cột mốc khởi nghiệp quan trọng mới của bản thân mình. 



Vậy ông đã chuẩn bị những gì cho mốc khởi nghiệp tiếp theo này? 

Trường Hải đã chuẩn bị rất kỹ đề án nâng cao năng lực cạnh tranh ở tất cả các phân khúc như showroom, đại lý bán lẻ, phân phối và sản xuất. Riêng đối với sản xuất, chúng tôi quyết tâm mời gọi và thuyết phục Mazda liên doanh, xây dựng nhà máy sản lượng 100.000 xe/năm. Thị trường bắt đầu là Việt Nam và xuất khẩu một phần sang các nước ASEAN. Cùng với những dự án này là các nhà máy sản xuất linh kiện nhằm đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40% và trung tâm logictics, cảng biển. 

Không chỉ Mazda, chúng tôi cũng đang triển khai, hợp tác liên doanh với Hyundai để sản xuất xe tải, xe bus mang thương hiệu Hyundai và Thaco. Thị trường cũng là Việt Nam và xuất khẩu sang các nước ASEAN, trong đó sản lượng xe bus là 20.000 xe, từ 12 đến 45 chỗ; xe tải là 100.000 xe/năm. 

Kể cả Kia họ cũng đang xúc tiến nghiên cứu sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu ASEAN. Năm 2018 với tôi là mốc khởi nghiệp rất lớn và khốc liệt. Trong bối cảnh hội nhập Việt Nam chúng ta có làm được công nghiệp ô tô hay không và Thaco sẽ ra sao? Cả xã hội sẽ nhìn xem Thaco sẽ làm công nghiệp ô tô như thế nào? 



Ở Việt Nam, khuyến khích khởi nghiệp dường như mới chỉ tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ, đề cao việc tạo cơ hội hỗ trợ cho họ mà "bỏ quên" vai trò của doanh nghiệp lớn? 

Như tôi đã nói, khái niệm khởi nghiệp không chỉ khuyến khích các bạn trẻ mới kinh doanh, mà nên mở rộng khái niệm để khuyến khích các doanh nghiệp lớn, doanh nhân lớn. Tinh thần khởi nghiệp, hãy nghĩ nó thật sự trọn vẹn, bao quát hơn để không chỉ khích lệ những bạn trẻ mới tìm cách lập thân, lập nghiệp; mà còn cả các doanh nghiệp đang nỗ lực phát triển mở rộng quy mô. Các doanh nghiệp đã thành công ở một số lĩnh vực sẽ tiếp tục thành công với các ngành nghề mới. 

Và như vậy, cấu trúc của nền kinh tế phải có những tập đoàn đủ lớn có sức cạnh tranh, dẫn dắt và có tầm là đầu tàu của các doanh nghiệp nhỏ hơn trong bối cảnh hội nhập. Tất cả cùng tham gia vào chuỗi giá trị và tạo ra được sản phẩm cạnh tranh thực sự. Số lượng doanh nghiệp mà Chính phủ mong muốn là đúng đắn, nhưng chất lượng doanh nghiệp cũng là điều cần thiết. Chất lượng doanh nghiệp chỉ có khi cấu trúc, thành phần doanh nghiệp thực sự chuẩn mực và tạo ra được sự cạnh tranh. 

Là một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp ô tô, ông đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ ra sao? 

Tôi xin đưa con số như thế này, trong hệ thống của Trường Hải có tới 288 nhà cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất phụ tùng, có 25 doanh nghiệp tham gia dịch vụ vận chuyển , 68 doanh nghiệp đại lý bán hàng và làm dịch vụ sửa chữa. Từ năm 2003 đến nay, trung bình mỗi năm, chúng tôi đưa vào hệ thống 24 doanh nghiệp mới. Nếu Trường Hải làm thành công công nghiệp ô tô sau 2018 thì con số này còn lớn hơn nữa. Tổng số cán bộ nhân viên trong biên chế là hơn 15.500 người. Doanh thu sau thuế của Trường Hải năm nay là hơn 3 tỷ đô, trong khi GDP cả nước là hơn 200 tỷ đô thì chúng tôi đang chiếm tới 1,5% GDP. 

Tôi đã tổ chức nhiều hội thảo, mời doanh nghiệp vào Chu Lai. Tôi trình bày, giải thích rất nhiều về phát triển công nghiệp phụ trợ. Tôi cũng hứa rằng nếu anh em nào có ý chí, có nghị lực, tôi sẽ tạo điều kiện để họ có thể hợp tác với doanh nghiệp sản xuất có công nghệ ở nước ngoài, để cùng làm nhà cung ứng phụ kiện cho Thaco. Kết quả dù chưa nhiều, nhưng tôi thấy các bạn trẻ hiện nay đa phần thiên về kinh doanh CNTT, bất động sản, dịch vụ chứ chưa tham gia làm nhiều về sản xuất. Trước ngày doanh nhân 13/10, khi nghĩ về điều này tôi có chút chạnh lòng nhất định. 



Nói như vậy, khởi nghiệp Việt Nam dường như đang thiếu một định hướng cụ thể? 

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tại sao nhiều nước họ chẳng có lợi thế gì cả mà họ lại phát triển? Tôi đơn cử là Hàn Quốc. Cách đây mấy chục năm họ nghèo hơn Việt Nam thời bấy giờ. Nhưng giờ đây họ đã là một cường quốc với tất cả các ngành nghề và đến nay họ đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với Nhật, thậm chí với Mỹ. Hay như Thái Lan, đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn còn đang lo ngại rằng nếu hội nhập 2018 thì ô tô và nhiều hàng hóa khác do người Thái sản xuất sẽ tràn ngập Việt Nam. 

Họ xác định rõ ngành công nghiệp nào họ có thể làm và dựa vào ngành công nghiệp đó để phát triển các ngành nghề khác. Trong thành phần kinh tế bắt buộc phải có doanh nghiệp lớn để làm mũi nhọn, nhưng cũng cần rất nhiều doanh nghiệp nhỏ. Và tất cả các doanh nghiệp phải được tổ chức, cấu trúc trong các nhóm chuyên biệt. 

Đối với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài, khi họ làm tốt lên, họ thấy rằng cần thiết lôi kéo các doanh nghiệp nhỏ cùng làm với họ. Tôi lấy ví dụ về câu chuyện một ông mở quán phở, kinh doanh rất tốt. Nếu như ở Pháp, người ta sẽ tìm đến để làm sao cho ông này mở được thêm nhiều quán phở, họ chia nhau cung ứng nguyên liệu cho quán; người cung ứng bánh phở, người cung ứng tương ớt… hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Còn ở Việt Nam, ông này mở quán phở bán chạy thì chỉ mấy hôm sau là xuất hiện quán phở y chang sát kế bên. 

Nhiều ý kiến cho rằng khởi nghiệp hiện nay mới chỉ dừng ở mức hô hào cổ vũ bằng thông điệp… 

Tôi cho rằng kêu gọi khởi nghiệp là đúng đắn. Nhưng cùng với kêu gọi thì nên có định hướng, cần làm rõ từng ngành nghề nên làm và làm như thế nào. Trách nhiệm của chúng ta là nên khởi nghiệp thế nào, khởi nghiệp ra sao và định nghĩa thế nào cho phù hợp. Đồng thời phải xác định bối cảnh hội nhập, chúng ta đừng dàn hàng ngang kiểu như "tất cả cùng mở quán bán phở" mà phải có sự phân công, hợp tác liên kết với nhau để tạo ra giá trị. Mọi người đều được phân công và có quyền lợi. Nó tốt hơn việc chúng ta cạnh tranh lẫn nhau, kéo nhau cùng suy yếu mà cuối cùng chẳng ai được gì. 

Tất cả các ngành nghề kinh tế Việt Nam cũng giống ngành nghề mà các nước khác đang làm. Đâu là sự hiệu quả, đâu là lợi thế cạnh tranh có thể là lợi thế tự nhiên của nền kinh tế. Nhưng lợi thế lớn hơn là tinh thần xuất phát từ ý chí của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và chính sách của nhà nước. 



Hàn Quốc, Nhật Bản hay gần chúng ta nhất là Thái Lan họ đã thành công. Ông có cho rằng Việt Nam mình còn cơ hội không? 

Đối với một nền kinh tế, một đất nước thì thách thức và cơ hội luôn luôn đan xen. Hãy nhìn cơ hội là điều gì đó mà chúng ta sẽ làm tốt hơn ngày hôm qua. Trong ASEAN, Việt Nam cùng với Myanmar, Lào, Campuchia đang ở top dưới. Theo tôi, cơ hội vươn lên top trên của chúng ta là hoàn toàn có thể. Vì vậy trước mắt, hãy phấn đấu và chúng ta hoàn toàn có cơ hội ở top trên trong ASEAN đã. 



Đối với các bạn trẻ bắt đầu bước chân vào con đường lập thân lập nghiệp, ông muốn gửi gắm tới họ lời khuyên nào không? 

Trong bối cảnh mà đất nước đề cao khởi nghiệp, giới trẻ chúng ta hãy khởi nghiệp bằng sáng tạo, tìm tòi ngành nghề kinh doanh. Một trong những hướng khởi nghiệp là nếu có ý tưởng tốt, có quyết tâm, có kế hoạch thì hãy tìm kiếm các doanh nghiệp lớn có tài chính, kinh nghiệm quản trị để được tư vấn hỗ trợ. 

Nhưng tôi cảnh báo các bạn trẻ phải luôn xác định nghiệp kinh doanh là nghiệp khó. Nếu sai là phải trả giá đắt! Nhiệt huyết là cần thiết nhưng phải song hành với sự thận trọng. Nhiều doanh nhân thành công vang dội trong quá khứ nhưng chỉ cần một bước đi sai lầm là đánh mất tất cả. Khởi nghiệp là chấp nhận rủi ro nhưng tốt nhất đừng để rủi ro xảy ra. Nói vậy không phải là tôi chưa từng mắc sai lầm, nhưng tôi nhận ra sai lầm để điều chỉnh và ngăn cho sai lầm không xảy ra khi quá muộn. Đó là kim chỉ nam cho nghiệp kinh doanh, cho người đứng đầu một doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, một góc nhìn khác về khởi nghiệp theo hướng liên doanh, liên kết các sức mạnh với nhau là hướng đi thông minh và nhiều khả năng thành công. Tôi cũng khuyên là các bạn đang làm việc trong công ty lớn, hãy luyện tập cho mình tư duy của một nhà lãnh đạo. Khi công ty mở rộng phát triển, họ sẽ chọn bạn là người lãnh đạo các công ty con sau này. Khi đó bạn cũng được coi là người khởi nghiệp. 



Có doanh nhân từng nói "Với khởi nghiệp, vấn đề không phải là tiền", nhưng vị doanh nhân khác lại khuyên "Đừng nghĩ đến khởi nghiệp nếu không có tiền". Quan điểm của ông về tiền trong khởi nghiệp như thế nào? 

Làm kinh doanh, tiền tối thiểu phải có, từ xa xưa ông bà mình gọi đó là đồng vốn. Tôi khẳng định không có tiền thì không kinh doanh được. Nhưng câu chuyện ở đây, là khi anh khởi nghiệp tay trắng thì đồng vốn đó ở đâu? Anh có thể nghĩ ra ý tưởng nhưng để thực hiện nó, anh buộc phải có tiền. Tiền có thể tích lũy được, anh đi làm lao động phổ thông thôi, dần dần cũng tích lũy được tiền rồi. 

Nhưng khởi nghiệp bây giờ đi theo hướng tích lũy thì lâu lắm. Quan điểm của tôi là anh có ý tưởng, ý chí, quyết tâm, kế hoạch hãy tìm người có tiền, có kinh nghiệm quản trị để cùng làm. Tuy nhiên nhiều bạn trẻ hiện nay quá tự tin, trong khi đa số ý tưởng vẫn còn mơ hồ, thiếu thực tiễn. 

Hãy lắng nghe lời khuyên, đừng quá nóng vội. Nếu không 99% bạn sẽ thất bại.


Theo Lan Chi - Vương Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ

========

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top