Túm lại đọc xong bài này nhớ tắt fb, ra ngoài vận động nhen...
QỦA TÁO Recommend:
7 thói quen giúp bạn nói KHÔNG với căng thẳng, luôn tràn đầy năng lượng và đủ sáng suốt để hoàn thành mọi việc
Xao nhãng, mất tập trung hay buồn ngủ, uể oải là trạng thái vô cùng phổ biến, nhất là đối với dân văn phòng. Tình trạng sức khỏe đó ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất làm việc và khả năng quản lý thời gian, cũng chính là ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
1. Ngủ ngon hơn
Ý nghĩa của giấc ngủ hẳn không còn xa lạ với chúng ta. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, giấc ngủ có khả năng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì, tăng cường hệ miễn dịch. Thậm chí, nó còn giúp cải thiện trí nhớ và hiệu suất tinh thần của bạn. Những trường hợp ngủ ít hơn 6 tiếng một ngày mà vẫn làm nên việc như Martha Stewart hay Barack Obama thật sự chỉ là ngoại lệ thôi. Thực tế, phần lớn chúng ta vẫn cần thiết một giấc ngủ đủ cả về chất và lượng.
Để tập thành thói quen này, đừng uống các thức uống chứa cafein sau 2 giờ chiều. Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình điện tử, di động sau khi mặt trời lặn. Và thay vì cầm điện thoại để lướt web thì trước khi ngủ, bạn nên đọc một vài trang sách giấy cho cả cơ thể được thư giãn, dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
2. Đi bộ đi làm
Vì cuộc sống vội vã mà ngày nay, chúng ta bỏ quên mất thói quen đi bộ. Đi bộ thực sự rất tốt cho cơ thể, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Ngay cả Hippocrates cũng nói: “Đi bộ là loại thuốc tốt nhất của con người”, vì thế nếu có thể hãy tận dụng mọi thời gian bạn có để dạo bộ vài vòng.
Nếu bạn cảm thấy không thể đi bộ đến chỗ làm (hầu hết chúng ta đều cảm thấy vậy) thì có thể chuyển từ đi xe riêng sang các phương tiện giao thông công cộng, đậu xe cách chỗ làm để có thêm một quãng đường ngắn để đi bộ… Nói chung, để đi bộ được nhiều hơn thì không khó, bạn có muốn thực hiện thói quen này hay không thôi.
3. Nạp chất béo cho bữa sáng
Sau nửa thế kỷ nghiên cứu về khoa học dinh dưỡng, mọi người bắt đầu nhận ra chất béo là một phần thiết yếu và lành mạnh trong khẩu phần ăn của chúng ta. Đó là nguồn năng lượng chính của mỗi người, giúp sửa chữa và tái tạo tế bào, đồng thời giảm viêm, giữ bạn no lâu.
Để nạp thêm chất béo cho bữa sáng, bạn có thể ăn các thực phẩm như trứng, bơ, sữa, cá… Chất béo trong chế độ ăn rất quan trọng nhưng nó đặc biệt tốt vào bữa sáng, giúp cung cấp năng lượng cho cả một ngày dài. Chỉ cần bạn có thói quen ăn sáng thì việc ăn thêm nhiều chất béo lúc đầu ngày không phải là việc quá khó khăn.
4. Đứng lên bất cứ khi nào có thể
Những nghiên cứu về sự nguy hiểm của việc ngồi quá lâu nổi lên vào khoảng năm 2010, nó chỉ ra mối quan hệ giữa việc ít vận động đến các vấn đề sức khỏe như tim mạch, ung thư, thoái hóa cơ… Thay vào đó, các chuyên gia khuyên bạn nên có những chuyển động cường độ thấp như đi lại, đứng lên ngồi xuống để cải thiện lượng máu lưu thông lên não, giúp tập trung hơn, tinh thần phấn chấn và tươi tỉnh hơn.
Thay đổi thói quen ngồi lì một chỗ quả thực không hề dễ, nhất là đối với dân văn phòng. Điều quan trọng là bạn ý thức được mình cần phải đổi từ “ngồi” sang “đứng”. Hãy đứng dậy, đi lại trong giờ giải lao; đứng khi nói chuyện với đồng nghiệp hay khi trình bày ý tưởng trong cuộc họp. Bạn không cần ép mình phải thay đổi ngay nhưng nên điều chỉnh dần dần, cố gắng đứng dậy 2 lần mỗi giờ để cơ thể quen với hành vi này.
5. Rời mắt khỏi màn hình máy tính
Bất kỳ lúc nào có thời gian nghỉ, bạn lại lướt Facebook? Bạn nghĩ rằng đọc những tin tức hài hước trên đó là cách giúp bạn thư giãn? Đáng tiếc là, tất cả những việc bạn làm, những điều bạn nghĩ đều đang quá sai!
Dán mắt vào các phương tiện truyền thông xã hội là việc làm tốn thời gian nhất mà cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta nhất. Thay vào đó mỗi lúc cần nghỉ ngơi, hãy nhìn ra ngoài cửa sổ để dưỡng mắt hoặc đi lại xung quanh, nói chuyện phiếm với đồng nghiệp hay ăn nhẹ một món nào đó.
6. Thực hiện những bài tập nhanh nhưng với cường độ cao
Nếu bạn chưa biết thì HIIT (bài tập cường độ cao, đứt quãng) không những tiết kiệm thời gian mà nó còn có thể tốt hơn so với tập thể dục bình thường như chạy bộ, tập với máy hay tập fitness. Chỉ 5 – 10 phút thôi, những bài tập này có thể giúp tăng sức chịu đựng, cải thiện trao đổi chất và tăng cường sức khỏe tim mạch.
Tập HIIT không dễ, nhưng nó sẽ là một “bài thuốc” gây nghiện nếu bạn đã quen. Ban đầu, HIIT có thể dễ gây nản chí vì cường độ cao, cơ bắp nhức mỏi. Vì thế, bạn có thể tập cách ngày nếu chưa quen, kết hợp với những bài tập nhỏ lẻ nhưng có tác động lớn vào thể lực như chống đẩy, squats, nâng tạ hay chạy nước rút…
Tập những bài ngắn trước rồi tới những bài dài hơn. Quan trọng là giúp cơ thể bạn dần quen với cường độ tập luyện này, rồi nó sẽ tự điều chỉnh để bạn không còn cảm thấy đau nhức nữa. Luyện tập thường xuyên chắc chắn đem lại lợi ích không chỉ cho sức khỏe thể chất mà còn cả tinh thần, cải thiện sự tập trung.
7. Làm việc nhà
Đúng, chính là làm những công việc dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ, mua sắm… Tự động hóa và những dịch vụ hỗ trợ khách hàng đang dần biến chúng ta thành những con sâu lười biếng và thụ động. Nhất là sau một ngày dài căng thẳng tại công sở, bạn sẽ chỉ muốn về nhà, nằm im tận hưởng mà thôi.
Tự tay làm việc nhà hoàn toàn không phải một cách “hành xác” tiếp theo mà chính xác hơn, đó là lúc để bạn giải tỏa stress. Hãy chọn những công việc đòi hỏi thể chất vừa phải như đi mua sắm thực phẩm hay lau dọn nhà cửa. Trong lúc làm những công việc đó, bạn được vận động, được hít thở không khí trong lành và được giải phóng suy nghĩ…
Chỉ riêng chiến thuật quản lý thời gian thôi là không đủ. Để có đủ năng lượng và sự tích cực, tập trung cho một ngày dài, bạn còn cần cả thể lực bền bỉ và dồi dào. Bởi thế, hy vọng bạn có thể áp dụng 7 thói quen hữu ích này vào cuộc sống thường nhật để cải thiện sự hiệu quả khi làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống hơn.
Minh An
Theo Nhịp sống kinh tế/Medium
========
Theo Nhịp sống kinh tế/Medium
========
0 nhận xét:
Đăng nhận xét