Quả táo Recommend: Tình cờ tôi biết đến môn khoa học thần kinh ứng dụng (applied neurosciene) nghiên cứu về não bộ trong quản trị doanh nghiệp qua bài phỏng vấn TS. Paul Brown – Đại học Oxford của Thời báo KTSG số 19-2014. Theo ông, niềm tin giúp con người có đủ sức lực để vượt qua những trở ngại và làm những việc tưởng chừng như không thể. Khái niệm cũ “tôi tư duy nên tôi tồn tại”(I think, therefore I am) không còn giá trị. Khái niệm mới phải là ”tôi cảm xúc nên tôi thấy mình tồn tại” (I feel, therefore I think I am). 
Và cũng tình cờ khi bài Suy nghĩ chủ động của tôi đăng cạnh bài Phỏng vấn về khoa học não bộ này. Cám ơn Thời báo KTSG đã tạo nên sự tình cờ này.Quả là luôn chưa rõ ràng, “lý thuyết đi theo thực tiễn hay ngược lại…”

***

Khai thác sức mạnh não bộ trong doanh nghiệp


(TBKTSG) - Liệu kiến thức hiện nay trong khoa học thần kinh ứng dụng (applied neuroscience) có thể giúp gì trong quản trị doanh nghiệp? Phỏng vấn dưới đây với TS. Paul Brown, một chuyên gia trong lĩnh vực này, sẽ phần nào trả lời câu hỏi trên.

Thục Đoan thực hiện.




TS. Paul Brown nghiên cứu về não bộ, hành vi quản trị điều hành qua đó phát triển mô hình biến năng lượng con người thành lợi nhuận cho tổ chức. Ông giảng dạy tại trường Nghiên cứu quốc phòng của Hoàng gia Anh, trường Kinh doanh Said - Đại học Oxford. Mới đây, ông đã đến Cần Thơ để nói chuyện với các doanh nhân miền Tây về hành vi của bộ não và cách ứng dụng nó.


TBKTSG: Đọc được suy nghĩ của người đối diện hay điều khiển người khác làm theo ý mình là tham vọng mà nhiều người muốn đạt được. Ngành khoa học não bộ mà ông nghiên cứu có giúp con người thực hiện được tham vọng này không?

- TS. Paul Brown: Khoa học bây giờ đã cho phép thu nhận các xung điện não của một người đang xem phim và rồi tái hiện những hình ảnh mà người đó đã nhìn thấy bằng cách xử lý những tín hiệu điện này thông qua các siêu máy tính. Nhưng thú thật, tôi nghĩ vẫn còn rất lâu khoa học mới có thể đọc được tất cả những gì xảy trong não của con người một khi họ muốn che giấu suy nghĩ của mình.

Trong cuộc sống, đã có một số người rất giỏi trong việc bắt người khác làm theo ý mình nhờ vào những cơ chế ảnh hưởng đến quan hệ giữa các cá nhân. Khoa học sẽ phải đi trên con đường rất dài nữa mới có thể giúp một người điều khiển hành vi người khác theo ý mình.

TBKTSG: Theo ông, những cơ chế hoạt động nào của não mà nhà lãnh đạo nên biết để có thể tối ưu hóa sự điều hành trong tổ chức?

- Con người làm việc có sự kết nối giữa cá nhân với cá nhân và não bộ chính là cơ quan tạo sự kết nối đó. Não bộ là nơi quản lý năng lượng của chính nó và toàn bộ cơ thể. Những gì mà nhà lãnh đạo có chính là một khối lượng lớn năng lượng của từng con người trong tổ chức nằm dưới sự kiểm soát của nhà lãnh đạo đó. Câu hỏi thực tế là làm sao, từng phút từng giây, tập trung được nguồn năng lượng như thế vào các mục tiêu chiến lược và hoạt động của tổ chức. Rất nhiều lãnh đạo đã bào mòn sự nhiệt tình của nhân viên. Họ làm hao phí một nguồn năng lượng khổng lồ của tổ chức, trong đó có cả năng lượng của chính họ.
Về lâu dài, sự hiệu quả của tổ chức chính là kết quả của việc sử dụng năng lượng con người một cách thông minh và hiệu quả. Đó là kỹ năng mà nhà lãnh đạo cần phải có.
TBKTSG: Vậy kinh nghiệm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng này của ông là như thế nào?
- Có ba yếu tố cơ bản liên quan đến tiền đồ của một tổ chức. Thứ nhất, đó là hiểu biết về cách thức con người làm việc và điều kiện để họ làm việc tối ưu. Thứ hai, các biện pháp cụ thể giúp tổ chức trở nên tốt hơn. Thứ ba, hiểu được tầm quan trọng của sự tập trung vào hành vi để mang lại kết quả.
TBKTSG: Xin ông hãy chỉ ra rõ hơn, làm cách nào để các nhà quản lý doanh nghiệp Việt Nam có thể chuyển nguồn năng lượng trong mỗi nhân viên thành sức mạnh của tổ chức?
- Trước hết, Việt Nam có những truyền thống Phật giáo lâu đời rất có giá trị trong thương trường. Nhiều công trình về thần kinh học ở phương Tây nghiên cứu nguyên do nào và điều gì đã khiến cho thiền định tác động lên não bộ và làm não hoạt động tốt hơn. Nếu biết cách ứng dụng, hiểu biết về thiền định có thể giúp công việc kinh doanh hiệu quả hơn. Và Việt Nam là nơi rất tốt để thực hiện điều này.
Thứ hai, học cách lắng nghe. Các nhà lãnh đạo giỏi ý thức rõ rằng họ không thể biết hết mọi câu trả lời, nhưng trách nhiệm của họ là phải tìm ra câu trả lời tốt nhất. Kiến thức tiềm ẩn trong tổ chức là vô cùng to lớn. Nhưng điều sai lầm là chúng hoàn toàn không được coi trọng. Hãy học cách khai thác chúng.
Thứ ba, đừng bị đóng khung bởi ý nghĩ thay đổi bao giờ cũng tốt. Thay đổi có thể rất nguy hiểm bởi não bộ không thích thay đổi cho dù con người vốn có khả năng thích nghi cao. Nếu cần thay đổi và không muốn trả giá quá đắt, hãy thực hiện việc đó một cách nhẹ nhàng, đừng quá đột ngột. Các doanh nghiệp cũng là những cơ thể sống. Do đó cũng cần được đối xử đúng mực.
TBKTSG: Liệu một nhà lãnh đạo có nên áp đặt những ý muốn chủ quan của mình lên con người trong tổ chức giống như cách mà một số người áp đặt với con cái trong gia đình không?
- Tôi cho rằng có thể làm được, nhưng cực kỳ thiếu hiệu quả, giống như lái xe với một chân vừa đạp thắng và một chân vừa đạp ga. Một lãnh đạo doanh nghiệp có thể dùng mọi công cụ trong tay để đạt mục đích nhưng nếu không tạo được niềm tin thì cái giá phải trả sẽ ngày càng cao.
TBKTSG: Ông đã có những trải nghiệm làm việc với lãnh đạo nhiều công ty châu Á, trong đó có Việt Nam, vậy theo ông đâu là vấn đề lớn nhất mà họ phải thay đổi để thành công?
- Các mối quan hệ gia đình thường làm rối loạn các mục tiêu của doanh nghiệp. Vì thế, người lãnh đạo cần trả lời câu hỏi hóc búa có tính chất quyết định: tôi muốn quản lý một gia đình hay một doanh nghiệp? Nếu là chọn lựa thứ hai, thì các thành viên gia đình chỉ được tham gia vào doanh nghiệp khi họ có được năng lực ngang bằng với người được thuê từ bên ngoài. Hãy đặt cho mình các câu hỏi: làm cách nào để phát triển nhân viên trong doanh nghiệp? Làm cách nào tôi có thể tự phát triển khả năng lãnh đạo của mình hơn nữa? Phần lớn các doanh nghiệp gia đình cứ mãi không lớn nổi vì chủ doanh nghiệp không phát triển kịp.
Tôi định ra 11 yếu tố mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải chú ý ở mọi lúc mọi nơi, vì chúng quan hệ khắng khít với nhau giống như các cơ quan trong một cơ thể. 11 yếu tố đó có bộ xương sống là con người. Bộ xương này bao gồm: năng lực lãnh đạo; văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và sản xuất; đội ngũ nhân viên; và khách hàng. Có ba yếu tố định hình cơ chế hoạt động của tổ chức là chiến lược; vận hành và hệ thống quy trình. Và ba yếu tố cuối cùng là tiếp thị-truyền thông; tài chính và doanh thu.
Công việc của người đứng đầu không đơn giản chỉ là lãnh đạo mà còn phải chịu trách nhiệm trong việc xây dựng chiến lược, văn hóa công ty và phải làm sao để những điều này được lan truyền và thẩm thấu trong tổ chức.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Sức mạnh của niềm tin
Niềm tin giúp con người có đủ sức lực để vượt qua những trở ngại và làm những việc tưởng chừng như không thể. Điều này rất cần thiết trong một thế giới đầy bất ổn như hiện nay. Khi được hỏi chúng ta phải tác động lên bộ não như thế nào để con người có được sức mạnh này và thắng được sự sợ hãi, TS. Paul Brown trả lời rằng niềm tin nằm ở vị trí trung tâm trong hoạt động hữu hiệu của não bộ, và ngược lại, hoạt động não hữu hiệu tạo ra niềm tin. Mọi hành vi được điều khiển bởi hệ thống cảm xúc. Khái niệm cũ “tôi tư duy nên tôi tồn tại” (I think, therefore I am) không còn giá trị. Khái niệm mới phải là “tôi cảm xúc nên tôi thấy mình tồn tại” (I feel, therefore I think I am). Tám xúc cảm cơ bản của con người giống như những màu cơ bản. Ba màu cơ bản tạo ra cả hệ thống quang phổ. Tám xúc cảm cơ bản tạo ra cả hệ thống xúc cảm.
TS. Brown giải thích trong số tám xúc cảm đó, có loại gọi là ngạc nhiên/giật mình (surprise/startle) có nhiệm vụ giúp hệ thống chuẩn bị đón đầu sự việc gì đó. Sau đó là năm xúc cảm cơ bản - sợ hãi, giận dữ, ghê tởm, xấu hổ và buồn bã (fear, anger, disgust, shame, sadness) - có liên quan đến hành vi trốn thoát/lẩn tránh/sống sót (escape/avoidance/survival). Năm xúc cảm này dễ dàng xảy ra hơn so những xúc cảm gắn liền với trải nghiệm của con người gồm hồi hộp/vui mừng và tin tưởng/yêu thương (excitement/joy and trust/love). Những xúc cảm tạo ra năng lượng hướng ngoại dẫn đến năng suất và hiệu quả cao. Cảm xúc liên quan đến hành vi trốn thoát/lẩn tránh dồn năng lượng vào bên trong để cơ thể tự bảo vệ. Rất nhiều tổ chức cho rằng quản lý dựa trên hình phạt là điều nên làm mà không biết rằng mặt trái của nó là sự căng thẳng, kiệt sức, đời sống khổ sở và lợi nhuận của tổ chức đó thấp hơn mức lẽ ra phải có.
Theo ông, đây cũng chính là câu hỏi lớn của các nhà chính trị - làm thế nào tạo được niềm tin trong khi chính họ cũng đang sợ hãi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


========
BÀI ĐỌC KHÁC TỪ QUẢ TÁO TRI THỨC:
Next
Bài đăng Mới hơn
Previous
This is the last post.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top