"Nếu không chỉ là muỗi..."

QỦA TÁO Recommend: 


Công ty mẹ của Google nuôi lớn và thả 15 triệu con muỗi ra ngoài tự nhiên để… tiêu diệt loài muỗi trên toàn thế giới  





Đây là lần đầu tiên công ty mẹ Alphabet của Google tham gia vào cuộc chiến xóa bỏ các bệnh truyền nhiễm gây ra bởi loài muỗi trên toàn cầu.



Các nhà nghiên cứu ở Thung lũng Silicon đang "tấn công" những kẻ hút máu ở Quận Fresno của California. Jacob Crawford, nhà khoa học cấp cao và Kathleen Parkes, người phát ngôn của Verily Life Sciences – một đơn vị của Alphabet cho biết kỹ thuật kiểm soát muỗi của họ đang tỏ ra khá tiềm năng. 

Những con muỗi được nuôi trong một môi trường công nghệ cao thuộc hệ thống nuôi muỗi tự động của Verily ở phía nam San Francisco. Chúng đều bị nhiễm Wolbachia, một loại vi khuẩn phổ biến. Và khi những con muỗi đực nhiễm Wolbachia nuôi trong phòng thí nghiệm giao phối với muỗi cái trong tự nhiên, sự hủy diệt tàng hình sẽ xuất hiện: trứng muỗi không thể nở để hình thành muỗi con. 



Một nhân viên của Verily đang kiểm tra hệ thống nuôi muỗi tự động. 

Việc loại trừ bệnh gây ra bởi loài muỗi là một kế hoạch quan trọng của Alphabet mặc dù đây chỉ là một trong nhiều đột phá của công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và khoa học đời sống. Thông qua Verily và những cơ sở khác, Aplphabet đang nghiên cứu loại kính áp tròng thông minh, ứng dụng trí thông minh nhân tạo và cơ chế phân tử lão hóa. Trong tháng 11, họ đã thuê Giám đốc điều hành David Feinberg để giám sát những nghiên cứu chăm sóc sức khỏe của mình. 

Verily bảo vệ công nghệ rất chặt chẽ. Nếu thành công trong việc tạo ra phương pháp kiểm soát loài muỗi dễ thực hiện và rẻ tiền, đây có thể là một kế hoạch đem lại lợi nhuận cho Alphabet: Các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ sẵn sàng trả tiền để có được giải pháp kiểm soát của họ. 

Các loài muỗi là một trong những nguồn truyền nhiễm bệnh nguy hiểm nhất thế giới như sốt xuất huyết và bệnh sốt chikungunya ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Những bệnh này đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người mỗi năm và lây nhiễm cho hàng triệu người khác. Việc thả những con muỗi nhiễm Wolbachia ra môi trường tự nhiên có khả năng cao sẽ tiêu diệt toàn bộ quần thể muỗi cũng như các căn bệnh truyền nhiễm mà chúng gây ra. 

Mỗi sáng trong mùa loài muỗi hoạt động mạnh nhất từ tháng 4 đến tháng 11, những chiếc xe tải của Verily chạy dọc các khu vực nhiều cây cối để thả muỗi. Tại các địa điểm được xác định trước, một thuật toán tự động sẽ thả số lượng muỗi đã được tính toán cẩn thận ra môi trường. 

Nỗ lực xóa bỏ các bệnh truyền nhiễm gây ra bởi loài muỗi đang được nhiều cá nhân và tổ chức quan tâm. Tỷ phú Bill Gates đã cam kết chi hơn 1 tỷ USD cho những công nghệ có thể giúp quét sạch bệnh sốt rét trong đó có việc biến đổi di truyền loài muỗi. Còn cách tiếp cận của Verily lại dựa trên chiến lược can thiệp vào khả năng sinh sản của chúng. 




Công ty mẹ của Google "lấy độc trị độc". 

Năm 2016, quận Fresno đã hợp tác với nhà khoa học Stephen Dobson và công ty của ông, MosquitoMate để xử lý vấn đề liên quan đến loài muỗi tại địa phương. Phòng thí nghiệm của Dobson đã tìm ra cách lây nhiễm Wolbachia cho muỗi, vi khuẩn khác với loại thông thường mà muỗi hay mang trong mình. Điều đó đã khiến trứng muỗi không thể nở được. MosquitoMate đã tạo ra được hai loài muỗi nhiễm Wolbachia là A. aegypti và Aedes albopictus. Quận Fresno trở thành một trong những địa điểm thử nghiệm đầu tiên của phương pháp này. 

Sau đó, Verily đã tham gia cùng MosquitoMate để cung cấp nhiều công nghệ tiên tiến hơn trong quá trình nhân giống và thả muỗi ra tự nhiên. Năm qua, Verily đã tiến hành đợt thả muỗi thứ hai. Xe tải của họ đã đem muỗi đi thả tại bốn khu phố khác nhau. Chỉ trong hơn sáu tháng, họ đã thả hơn 15 triệu con muỗi. Kết quả từ năm 2017 cho thấy lượng muỗi đã giảm 2/3 và đến năm nay, phương pháp này đã giảm số muỗi tới 95%. 

Dự án thứ hai của Verily tại Australia kết thúc vào tháng 6 vừa qua cũng giúp tiêu diệt 80% số muỗi. Ban đầu, các nhà điều hành Verily tỏ ra lo lắng về phản ứng của người dân với phương pháp "lấy độc trị độc". Vì vậy, họ đã dựng một bốt tiếp cận nơi chứa những chiếc lồng đầy muỗi đực để mọi người có thể thò tay vào và xác nhận rằng muỗi đực không hề đốt. Chỉ muỗi cái mới đốt và đó là lý do tại sao dự án của Verily chỉ thả muỗi đực ra môi trường. 

Tại trụ sở của Verily, "nhà máy" nơi muỗi được lai tạo đã được tự động hóa nhiều hơn trước. Khi trứng được đẻ ra, robot sẽ nuôi chúng đến tuổi trưởng thành, từ việc đưa chúng vào các thùng chứa đầy nước và không khí đến việc cho ăn và giữ ấm. Một số robot khác có nhiệm vụ phân loại muỗi theo giới tính. Ngoài ra, mỗi con muỗi đều được nhận dạng kỹ thuật số để các nhà nghiên cứu có thể theo dõi chúng từ trạng thái của trứng đến tọa độ GPS cụ thể nơi chúng được thả ra. 




Robot có nhiệm vụ nuôi những con muỗi từ khi mới nở đến lúc trưởng thành. 

Sau khi kết thúc chương trình năm nay, Verily vẫn chưa quyết định có tiếp tục mở rộng vào năm tới hay không bởi chi phí thực hiện không hề thấp một chút nào. Crawford chia sẻ: "Điều quan trọng nhất là tạo ra chương trình tương tự vừa hiệu quả nhưng cũng vừa không tốn kém quá nhiều chi phí để có thể áp dụng tại những nơi còn khó khăn trên thế giới".



Gia Vũ
Theo Trí Thức Trẻ / Bloomberg
  

========

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top